Tết Thanh minh là ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Đây là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thuận của mình với ông bà, tổ tiên qua những hoạt động khác nhau. Trong đó, việc đi tảo mộ gia tiên, dòng họ là việc hết sức quan trọng, không thể bỏ qua.
1. Tết thanh minh là gì? Tết thanh minh có bao nhiêu ngày?
Ý nghĩa của cái tên Tết Thanh minh: “Thanh” có nghĩa là trong lành, sạch sẽ. “Minh” có nghĩa là tươi sáng. Vì Tiết Thanh minh nhằm vào lúc thời tiết mát mẻ, quang đãng.
Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí của âm lịch, được một số nước châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam sử dụng.
Tính từ đầu năm trở đi, Tiết Thanh minh đứng thứ 5, sau 4 tiết là Lập xuân, Vũ thuỷ, Kinh trập, Xuân phân. Vào dịp Tiết Thanh minh, ở miền Bắc Việt Nam, trời đã hết mưa phùn, nồm ẩm, thời tiết trở nên trong sáng, mát mẻ, dễ chịu.
2. Tết Thanh minh năm 2024 là vào ngày nào?
Tiết Thanh minh kéo dài khoảng 15 hoặc 16 ngày và ngày đầu tiên trong số đó gọi là Tết Thanh minh.
Trong ngày Tết thanh minh năm nay có các giờ tốt là:
giờ Dần (3 giờ đến 5 giờ),
giờ Thìn (7 giờ đến 9 giờ),
giờ Tỵ (9 giờ đến 11 giờ),
giờ Thân (15 giờ đến 17 giờ),
giờ Dậu (17 giờ đến 19 giờ),
giờ Hợi (21 giờ đến 23 giờ).
3. Mâm cúng Tết Thanh minh cần chuẩn bị những gì?
3.1. Lễ cúng Thanh minh ngoài mộ
Việc chuẩn bị lễ cúng Thanh minh ngoài mộ là tuỳ tâm, tuỳ vào điều kiện kinh tế, hoàn cảnh của từng gia đình và phong tục tập quán riêng của từng địa phương. Vì vậy, dùng cỗ chay hay cỗ mặn đều được.
Gia chủ cần chuẩn bị các lễ vật cúng Thanh minh bao gồm: hương, đèn, rượu, chè, trái cây, nước sạch, trầu cau, tiền vàng mã. Nếu ở phần mộ có nhiều bát hương thì gia chủ phải thắp hương ở tất cả các bát hương đó.
Về cỗ cúng, mâm cỗ chay gồm có xôi chè, bánh, chai nước, chuối, oản, gạo, muối, bơ, chén đựng mật ong, bỏng. Còn mâm cỗ mặn bao gồm rượu, thịt gà luộc, chân giò luộc hoặc khoanh giò, tuỳ từng gia đình.
Gia chủ phải dọn dẹp phần mộ ông bà, tổ tiên, nhổ bỏ cỏ dại trước rồi mới đặt lễ vật lên phần mộ và thắp hương, khấn vái. Chỉ nên cắm 1 hoặc 3 nén hương để tỏ lòng thành và vái 3 lần để tỏ lòng thành với quan thổ địa rồi mời gia tiên trở về và bắt đầu đọc bài văn khấn tiết Thanh minh. Khi hương đã cháy được khoảng 2/3 thì gia chủ đã có thể làm lễ tạ, hoá vàng, dọn dẹp và xin lộc rồi đi về nhà.
3.2. Lễ cúng Thanh minh tại nhà.
Khi cúng Thanh minh tại nhà, gia chủ chỉ cần chuẩn bị 1 mâm cơm đơn giản, giống với mâm lễ cúng trong các dịp lễ tết khác trong năm. Do đó, mâm cúng có thể là cỗ mặn, bao gồm xôi, gà luộc, canh măng, đĩa xào; hoặc có thể là mâm cỗ chay.
Trước khi làm lễ cúng Thanh minh tại gia, người cúng cần dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa và bàn thờ, ăn mặc quần áo chỉn chu. Khi 1 tuần hương đã cháy hết thì gia chủ có thể đi hoá vàng và xin thụ lộc đồ lễ.
4. Những việc nên làm và không nên làm vào Tết Thanh minh.
Công việc chính của lễ tảo mộ là quét dọn những ngôi mộ của tổ tiên và dọn dẹp cỏ dại, vũng nước đọng ở xung quanh, sau đó thắp hương và cắm hoa. Trước khi dọn dẹp mộ phần, gia chủ nên thắp hương xin phép ông bà, tổ tiên. Gia chủ lưu ý dọn dẹp sạch sẽ đồng thời kiểm tra hiện trạng của mộ phần tổ tiên. Ngoài ra, có thể giúp quét dọn, sửa sang các ngôi mộ vô chủ ở quanh đó và cắm cho mỗi ngôi mộ 1 nén hương.
Với những ai đang ở xa quê thì có thể tự lập mâm cơm cúng và thắp hương cúng từ xa, gọi là cúng vọng tâm.
Khi đi tảo mộ, các gia đình có thể cho con cháu lứa tuổi thiếu niên, thanh niên đi theo để chúng biết vị trí các ngôi mộ của ông bà, tổ tiên mình ở đâu.
Không chỉ đi tảo mộ, trong dịp Tết thanh minh, mỗi gia đình cũng nên dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ gia tiên, bát hương, thay hoa trên bàn thờ cho gọn gàng, sạch sẽ. Mọi người cũng nên chuẩn bị mâm cúng tại nhà và ngoài mộ để thờ cúng ông bà và tổ tiên. Việc này thể hiện lòng thành kính, biết ơn và sự tiếp đón của con cháu đối với chân linh của ông bà, tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết, sum vầy cùng con cháu.
Khi đi tảo mộ, tuyệt đối không được dàn hàng ngang trước mộ và không nên chụp ảnh tại nghĩa trang. Quan trọng nhất là mọi người phải gạt bỏ hết mọi tạp niệm trong lòng, thể hiện thái độ thành tâm và cung kính.
Tránh việc ăn uống, chạy nhảy, cười đùa, nói to tiếng trong khu vực mộ phần. Không dẫm đạp lên các ngôi mộ, tránh việc đá phải đồ cúng trên phần mộ của người khác, dù là vô tình.
Trong khi tiến hành làm lễ cúng, ngoài việc phải lưu ý giữ thái độ nghiêm trang thì các thành viên trong gia đình không được gọi tên nhau. Bởi vì việc này không thể hiện sự thành kính đối với người đã khuất và có thể mang tới những điều xui rủi cho gia đình của bạn.
Không nên tảo mộ lúc trời còn chưa sáng hay lúc trời đã tối nhập nhoạng, vì những thời điểm này có nhiều chướng khí, có thể tác động xấu tới sức khoẻ của những người đi viếng mộ. Thay vào đó, các gia đình nên đi tảo mộ trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng tới 3 giờ chiều. Đây là lúc trời quang đãng, dương khí dồi dào nên quá trình tế lễ sẽ diễn ra dễ dàng, thoải mái hơn.
Khu vực nghĩa trang thường ở những nơi hẻo lánh, vắng người qua lại, cho nên những người đi viếng mộ luôn có nguy cơ bị những kẻ xấu theo dõi và tấn công, làm hại hoặc bị nhiễm tà khí theo quan niệm phong thuỷ. Do đó, để đảm bảo an toàn, các gia đình nên đi tảo mộ theo nhóm nhiều người.
Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt và phụ nữ đang mang thai, người đang bị phong hàn, thấp khớp thì không nên đi tảo mộ. Bởi lúc này sức đề kháng của họ đang yếu, rất dễ bị nhiễm hàn khí từ khu vực nghĩa trang, gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của họ.
Những người yếu bóng vía, người sức khoẻ kém sau khi đi tảo mộ, về đến nhà nên bước qua chậu lửa hoặc rắc nước lá bưởi lên người để loại bỏ âm khí, tránh bị ảnh hưởng tới sức khoẻ.